Love

Love
Vì ta đã trót yêu họ, vì yêu nên không có quyền hồi tiếc, vì yêu nên không có quyền lãng quên....

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2016

[Longfic] Thượng Hải ảo niệm | Chương 2: Người cũ, người mới.



Tử Đằng đang ngồi miên man suy nghĩ, một phần vì chưa có manh mối nào để tìm ra tên hung thủ đã ăn cắp món hàng của vị công tử họ Lý kia, có thể hắn đã nhảy xuống sông rồi cũng nên, hoặc giả đã cải trang ở đâu đó trong con tàu này chờ ngày tái xuất. Thật tình Tử Đằng rất căm ghét cái loại người chỉ biết sống chực chờ để cướp giật, ăn cắp của người khác. Mình có tay chân khỏe mạnh mà không có ý chí đến mức làm giàu bằng chiếm đoạt những thứ không thuộc về mình, chính là một sự nhục nhã lớn nhất của một con người, thật không bằng loài cầm thú. Tuy mồ côi từ nhỏ, nhưng xóm giềng của Tử Đằng đã giáo dục anh trở thành một con người độc lập, luôn lấy lao động và thu nhập bằng lao động là niềm tự hào. Anh không dễ dàng quên đi những bài học giản đơn mà các cụ già trong xóm hằng ngày vẫn răn dạy con cháu mình và cả anh. Cuộc sống có nghèo khó thật, nhưng anh rất tự hào vì những gì mình có được đều là thành tựu do chính anh vun đắp xây dựng bằng đôi tay, mồ hôi của mình, nên không có việc đáng phải xấu hổ. Những kẻ chỉ biết làm thân tầm gửi, đối với anh thật đáng khinh nhường.

Nhưng mặc kệ chuyện thế nào diễn ra chung quanh, Tử Đằng lại chìm đắm trong nỗi nhớ Dĩ Yên. Vài ngày trôi qua cũng đủ vẽ lên trong anh hàng ngàn nét mực, dù không rõ hình dạng là gì, nhưng niềm tin của Tử Đằng chắc chắn đó chính là khuôn mặt thanh tú, nụ cười rạng rỡ của Dĩ Yên, khắc sâu trong tâm tưởng, trái tim của anh đến mức nhìn chung quanh đâu đâu cũng đều chỉ thấy hình bóng nàng, đều nghe được giọng nói nhỏ nhẹ, đều cảm nhận hơi ấm của nàng len vào từng xúc cảm. Anh biết rằng nỗi nhớ đó không thể nào nói hết thành lời, chỉ có thể mường tượng bóng hình của nàng trong từng giây phút thoăn thoắt thoi đưa. Dĩ Yên xinh đẹp và sáng ngời hơn cả bình minh, đôi mắt long lanh tựa như sao sa, lúc nào cũng dành cho anh những ánh nhìn ấm áp dịu dàng. Bên nàng cuộc đời lúc nào cũng đẹp, cũng rực rỡ sắc màu.

Tử Đằng mãn nguyện với nỗi nhớ của mình, trên mạn tàu đu đưa hai chân cùng gió mát, mắt nhắm nghiền hồi tưởng, nỗi nhung nhớ quá thật làm lòng người nôn nao. Anh chờ đợi từng thời khắc tàu cập bến Hoàng Phố, lúc ấy anh sẽ lại được hội ngộ người con gái mình yêu thương.

Đang say đắm với nỗi mong chờ, bất chợt một bóng hình vụt qua làm anh tỉnh sơn say. Tử Đằng mở bừng mắt, nhìn theo chiếc bóng khuất xa hơn độ mươi bước, hình như là một cô gái. Tử Đằng cố gắng nhìn kĩ, trông cô gái khá quen, hình như đã gặp đâu đó nhưng anh không nhớ rõ. Tử Đằng cố tìm lại trong kí ức xem đã thấy cô ta ở đâu đó rồi, nhưng bất lực chẳng thể nhớ ra. Cô gái có dáng người mảnh khảnh, vươn người hướng ra mặt biển, mái tóc dài đong đưa trong gió, không rõ biểu tình gương mặt, nhưng nhìn dáng vẻ phất phơ kia dám nghĩ một cơn gió chỉ mạnh hơn một chút là có thể cuốn phăng cô ấy xuống biển. Thật nguy hiểm.

“Này cô.” – Tử Đằng hét lớn, cố gắng gây sự chú ý của cô gái. Quả nhiên cô ta quay lại nhìn về hướng người gọi mình. Thoạt nhìn trông gương mặt cô gái có phần mệt mỏi, nhưng Tử Đằng cũng không chú ý lắm, anh nhảy phóc xuống khỏi thành thuyền chạy vội đến chỗ cô gái kia. – “Đứng đó nguy hiểm lắm cô không biết sao? Gió có thể thổi cô bay xuống biển.”

Cô gái vẫn im lặng nhìn chằm chằm người thanh niên lạ mặt này, ánh mắt dường như không chớp. Khuôn mặt cô có phần khả ái, đôi mắt tròn to đen tuyền, long lanh như đang đẫm lệ. Cô hơi nghiêng nghiêng đầu nhìn về người con trai đối diện, một lát sau giống như không nghe thấy, lạnh lùng quay lại hướng cũ nhìn ra biển.

“Này, cô kia, đúng là bị điếc không biết sợ phải không? Làm ơn xuống đi nếu không muốn chết.” – Tử Đằng kiên trì nói lớn, tuy không biết vì sao cô ta lại liều lĩnh như vậy, nhưng thực tâm anh không thể thấy nguy hiểm mà không cứu, kiên trì thuyết phục cô gái.

“Chết ư?” – Cô ta liền cười nhạt, đột nhiên cất tiếng nói rồi lại lắc đầu. “Chết thì có gì đáng sợ, đời người có bao nhiêu lần chết? Cùng lắm cũng chỉ là một lần thôi.” – Giọng nói hờ hững buông trôi, vì gió mà trở nên lạc lõng, càng chất chứa nhiều tâm sự. Đôi mắt kia long lanh tuyệt đẹp nhưng có phần ảm đạm ưu sầu.

Tử Đằng cảm thấy cô gái kia thập phần chán sống, thành thử mới có những biểu hiện kì lạ như vậy, đang định rướn thân người kéo cô ta xuống, nhưng chưa kịp làm gì thì bất ngờ cô đã nhảy xuống rồi.

“Yên tâm, tôi không phải là kẻ dễ mềm lòng và làm chuyện rồ dại đâu.” – Đột nhiên cô gái mỉm cười nhìn Tử Đằng. “Thế gian vẫn còn có những người lo chuyện bao đồng như anh, quả thật khiến tôi cũng có chút ngạc nhiên đấy.”

“Ơ chuyện đó… Thật ra… Mà thật ra là tại cô, đương khi không một mình đứng phất phơ trên boong thế này, chả quá muốn chết còn gì.”

“Tôi là ngư dân, có rớt xuống thì chết làm sao, cùng lắm chắc làm mồi cho cá.” – Cô gái cười, lần này còn vang một chút tiếng khóc khách.

“Hả, hóa ra là cô… biết bơi.” – Tử Đằng không giấu được sự ngạc nhiên.

“Anh nghĩ tôi ngốc đến mức không biết bơi lại ra đứng ở đây sao?” – Cô vừa nói vừa bước qua khỏi vị trí của Tử Đằng, chưa qua được vài bước đã quay lại. “Cảm ơn anh, vì ít ra trên đời còn cho tôi thấy vẫn còn có người biết lo lắng cho kẻ khác không cần vụ lợi.” Nói xong cô liền rảo bước thật nhanh về phía khoang tàu.

Để lại một mình Tử Đằng có phần ngẩn ngơ, hóa ra anh đã lo chuyện không đâu sao. Nhưng rõ là cô ta đã từng gặp ở đâu, có lạ lẫm lại có chút quen. Bất chợt Tử Đằng phát hiện ở gần chân lan can boong tàu có một chiếc khăn vươn lại. Tử Đằng cúi xuống nhặt lên. Trong đầu anh chợt lóe lên hình ảnh cô gái choàng chiếc khăn đã vội vã đụng phải anh cách đây một ngày. Tử Đằng nhìn về hướng cô gái nọ rời đi, hóa ra chính là cô ấy.

An Kì ngồi yên lặng hướng nhìn ra cửa sổ nơi phòng của mình, con tàu dập dềnh làm cho cả phòng của cô lại bềnh bồng theo từng đợt sóng. Từ lúc lên tàu đến nay, trong lòng An Kì chỉ có một tâm niệm duy nhất, sớm tìm lại được người đàn bà năm xưa đã nhẫn tâm từ bỏ cha con cô, bán đứng cha cô, hại ông phải ngồi tù cho đến ngày từ giã cõi đời. Bà ta đem cả gia tài của Lục gia dâng hiến cho nhân tình, không một lần đoái hoài đến đứa con gái do mình dứt ruột đẻ ra, một người đà độc ác và thâm hiểm. An Kì không thể nào tha thứ cho bà ta, không bao giờ.

Có tiếng gõ cửa bên ngoài:

“Vào đi.” – An Kì nhẹ hướng ánh mắt vào trong.

Vỹ Khang mở cửa bước vào, cúi chào An Kì.

“Là anh sao? Ban nãy đã đi đâu mà tôi không gặp.”

“Thưa tiểu thư, tôi…” – Vỹ Khang ngập ngừng, có phần khó nói.

“Chuyện đó thất bại không phải là lỗi của anh.” – An Kì quay lưng lại hướng ra cửa.

“Thật ra nếu không vì bị một tên ngốc phá đám, chắc chắn tôi đã lấy được nó về cho tiểu thư. Tôi xin lỗi.”

“Chuyện qua rồi, đừng áy náy nữa. Không ai nhận ra anh chứ?”

“Tôi đã hóa trang rất cẩn thận, xin tiểu thư đừng lo lắng.”

“Được rồi, cho anh lui. Tôi muốn yên tĩnh một mình.”

“Vâng, tiểu thư hãy nghỉ ngơi sớm đi ạ.”

An Kì ngồi lặng thinh. Trong cô lại trỗi dậy những hồi ức về tuổi thơ của đời mình. Ngày cha cô bị bắt tống giam vào ngục, chú của cô vì không cách nào gánh nổi số nợ của gia tộc nên cuối cùng đành bán cháu gái cho một gia đình mong muốn nhận An Kì làm con nuôi. Gia nhân lúc đó đi theo cô chỉ có gia đình của Vỹ Khang gồm có cha anh vốn là người quản gia của Lục gia, mẹ anh vốn là nhũ mẫu của An Kì và cuối cùng là con trai của họ - Vỹ Khang, người đã đi theo bảo vệ chăm sóc cho An Kì ngày còn tấm bé. Tuy có nhiều biến cố bất hạnh, nhưng An Kì cũng gặp được may mắn, đó là gia đình cha mẹ nuôi rất mực yêu thương cô. Họ lo lắng cho An Kì, nuôi cô ăn học trở thành một nhà thiết kế áo dài Thượng Hải nổi tiếng. Sau đó được gia đình cho qua Anh du học. Mọi chuyện đến với cô thật thuận lợi, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn An Kì vẫn nung náu mối hận thù với người mẹ ruột đã nhẫn tâm dứt bỏ, hãm hại gia tộc của cô. An Kì đã quyết tâm học tập thành tài, nhưng tiếc rằng ngày cô tốt nghiệp cũng chính là ngày gia đình cha mẹ nuôi của cô phải tuyên bố phá sản. Cha nuôi của cô vì phẫn uất mà đã tự vẫn, để lại mẹ nuôi cô góa bụa, một năm sau bà cũng mang bệnh và qua đời. Người thân bây giờ còn lại với cô chỉ có duy nhất một mình Vỹ Khang, cha mẹ Vỹ Khang của qua đời trước đó không lâu. Xem như hai người họ cũng có duyên phận, những tâm hồn đơn độc nương tựa vào nhau.

Sau khi cha mẹ nuôi mất đi, An Kì mới tìm hiểu và biết được kẻ đứng đằng sau vụ phá sản của gia đình cha mẹ nuôi cô không ai khác lại chính là Đỗ Vân Hạc, kẻ năm xưa đã cưới mẹ cô và chiếm đoạt toàn bộ gia sản của nhà họ Lục. Gã ác nhân mặt người dạ thú đó đã khôn khéo gài bẫy cha nuôi của An Kì, khiến ông bị quy chụp là tư thương với người Nhật, cha nuôi An Kì không thể mang tiếng nhục đó để sống, cuối cùng lại chọn cách quy thiên.

An Kì không sao kể xiết được nỗi căm hận trong lòng đối với mẹ ruột của mình, đối với Đỗ gia và Đỗ Vân Hạc. Chỉ cần thấy những kẻ đó, cô sẽ sẵn sàng ăn tươi nuốt sống bọn họ. Thế nhưng khi ngọn lửa căm phẫn đó ngùn ngụt cháy trong suy nghĩ của mình, thì An Kì lại giật mình thản thốt, cô vội vã hướng ánh mắt ra cửa sổ, tâm tư trong đôi mắt thể hiện rõ sự hoảng loạn vô định, giống như người đang chết đuối lại rơi vào xoáy nước sâu vĩnh viễn không thể giải thoát. Mỗi khi nỗi căm phẫn như muốn tàn sát hết gia tộc họ Đỗ hừng hực cháy lên thì đột nhiên lại len lỏi vào đó hình bóng của một người, mà lần nào hình bóng ấy xuất hiện cũng khiến trái tim của An Kì thổn thức khôn nguôi. Hình bóng của người con trai ấy lúc ẩn lúc hiện không rõ ràng nhưng lại chiếm hết trọn vẹn suy nghĩ của cô, không cho bất cứ một tâm tư đen tối nào len vào. Mỗi khi nghĩ về anh ta, lòng An Kì lại mang theo rất nhiều cảm xúc hỗn độn, nhưng kì lạ rằng tâm tư lại rất thanh thản, không vướng bận hận thù đau thương, không vướng bận bất cứ vết nhơ bụi trần nào. Trái tim nhỏ bé của cô vẫn đập mãnh liệt, làm cho huyết não dồn dập đến mức muốn nghẹt thở trong mâu thuẫn của chính bản thân mình.

Cuộc gặp gỡ tình cờ 5 năm trước đã dẫn dắt An Kì đến hàng loạt mớ cảm xúc không điều gì lý giải được, chỉ biết khi cô bước chân lên con tàu này, càng không rõ mục đích thực sự là gì. Chính là muốn tìm đén Thượng Hải để thực hiện kế hoạch trả thù Đỗ gia, hay chính là muốn đi theo tiếng gọi của trái tim mình? An Kì không rõ lắm cảm xúc hiện tại, càng mơ hồ càng khó lí giải, chỉ biết trên con tàu này có hình bóng của người ấy, và đơn giản vì thế mà cô không chọn chuyến tàu nào khác để đến Thượng Hải, mà nhất định phải là chuyến tàu này. Không sai chính là vì anh ta, Lý Anh Kỳ, người con trai đã làm cho tâm trí của cô không ngừng rung động, không ngừng thản thốt, người con trai đã cứu cô ra khỏi đám cháy ở Luân Đôn năm nào, và cũng đã cứu thoát đời cô ra khỏi ngọn lửa hận thù đen tối. Người con trai đã ban cho cô những rung động đầu đời, nhưng lại cùng lúc đó kéo cô vào vực thẳm của mâu thuẫn đau thương, khi phát hiện được thân phận thật sự của anh ta, là người cháu trai gọi Đỗ Vân Hạc là cậu ruột ấy, có tư cách gì để khiến cô phải rơi nước mắt mỗi đêm, phải giằng xé tâm hồn mình đến mức không thể định hình được lối đi cho cuộc đời mình. Lý Anh Kì, anh thật ra với tôi là nhân duyên hay là nghiệt duyên?


Anh Kì sắp xếp một vài thứ trên bàn của mình, anh đang xem lại một vài bản hợp đồng và thảo luận về giá trị thặng dư của ngân hàng Duệ Trung, ngân hàng gia đình anh sắp thu mua từ một người quen. Cảm thấy khá mệt mỏi trong căn phòng này, Anh Kì muốn ra ngoài hóng gió, những ngặt nỗi Hữu Nam lại ngăn lại không cho anh đi, bởi bên ngoài chuyển gió rất to, lại còn sương đêm không tốt cho sức khỏe. Anh Kì vô cùng nhức đầu với anh chàng hầu cận này, chẳng biết anh là chủ anh ta là chủ nữa. Thật là phiền toái, từ hôm cha anh cho Hữu Nam qua Anh để chăm sóc cho Anh Kì là y như rằng anh biết mình sẽ gặp thêm một ông bố nữa canh chừng tất cả mọi sinh hoạt của bản thân. Lúc thì gió to, lúc thì trời lạnh, lúc thì tuyết lớn, lúc lại quần áo phong phanh, lúc lại áo choàng áo khoác loạn xạ. Anh Kì đôi khi muốn tự do, nhưng chẳng có giây phút nào được thực sự là người tự do cả. Mặc dù anh biết Hữu Nam rất mực trung thành, lại thực tâm quan tâm chăm sóc anh, xem anh như đứa em trai thân thiết nhưng khổ thay quan tâm quá thành ra là một sự giam cầm. Mà Anh Kì thì lại rất muốn được tự do. Thôi thì cuối cùng tạm ngồi yên trong phòng, không rõ cho mình khỏi ốm hay là nghe lời càu nhàu của Hữu Nam nữa, thật khổ tâm thay.

Có tiếng gõ cửa, Anh Kì lên tiếng:

“Ai đó?”

“Tớ đây.” – Bá Bình bên ngoài nói vọng vào, chất giọng the thé không lẫn đi đâu được.

“Ồ, đợi tớ một lát.” – Anh Kì đứng dậy khỏi ghế dài, chỉnh sửa lại cúc áo, tiến đến mở cửa, mỉm cười hất gương mặt vào trong hàm ý bảo Bá Bình vào phòng.

“Cậu vẫn chưa ngủ à?” – Bá Bình bước vào, vừa đi vừa ngoái lại nhìn Anh Kì đang đóng cửa, thuận miệng hỏi.

“Đột nhiên không ngủ được. Uống chút rượu nhé?” – Anh Kì điềm đạm trả lời, vừa nói vừa tiến lại gần quầy rượu.

“Cho tớ một ly.” – Bá Bình ngồi xuống ghế, thuận tay cầm mấy cuốn sách trên bàn.

Anh Kì đến đưa cho anh ly rượu. Chỉ một ly duy nhất, thấy vậy Bá Bình ngạc nhiên hỏi:

“Cậu không uống sao?”

“Tớ hơi nhức đầu.” – Anh Kì vừa nói tay vừa giay giay hai bên thái dương, quả thật sau khi hoàn thành công việc xong anh liền cảm thấy cơ thể không ổn, giống như bị say sóng. Muốn đi ra ngoài hóng gió thì bị Hữu Nam ngăn lại. Ngồi trong phòng thành ra vô cùng bức bí, chẳng thế nên đầu quay quay như có vài con bọ đang vần vũ xung quanh.

“Ồ, nên uống thuốc đi, cậu chắc đã bị cảm rồi đó.” – Bá Bình có chút lo lắng.

“Không sao.” – Anh Kì ngã lưng ra dựa vào sofa. “Nghỉ một lát sẽ ổn thôi. Mà cậu có việc gì lại sang đây?” – Anh Kì với lấy cốc nước đang dang dở, uống một hớp rồi chăm chú nhìn Bá Bình.

“À số là tớ đi ngang qua nhìn đèn khe phòng cậu vẫn còn sáng nên vào hỏi thăm chút thôi. Nghe nói tên hung thủ đó vẫn chưa tìm ra, liệu có phải cái gã thanh niên đó đã lừa chúng ta?”

“Tớ nghĩ không phải đâu, nếu tớ là kẻ trộm tớ cũng sẽ không để mặt thật của mình mà hành xử, chắc là do kẻ đó đã cải trang thôi.”

“Cậu có vẻ tin thằng oắt con đó quá rồi, lũ hạ lưu thì có gì chắc chắn lời nói nó là thật.”

“Ý cậu là sao?” – Anh Kì khẽ nghiêm mặt lại nhìn Bá Bình.

“À thì…” – Bá Bình có phần lúng túng vì nhận ra vẻ không hài lòng của Anh Kì, liền tìm cách lấp liếm. “Ý tớ là biết đâu thằng nhóc đó vừa ăn cắp vừa la làng thì sao, chuyện gì cũng có thể xảy ra mà.”

Anh Kì khẽ hướng ánh mắt vào ly nước: “Tớ vẫn đang chờ đợi đó thôi, nhưng tớ cảm nhận được ánh mắt anh ta không nói dối. Còn nữa Bá Bình à, tớ nghĩ cậu không nên có cái nhìn phiến diện với người nghèo. Từ “hạ lưu” là miệt thị họ thái quá, so với chúng ta biết đâu họ vẫn tốt hơn rất nhiều lần.” – Anh Kì dùng ánh mắt cương nghị của mình đối diện thẳng với Bá Bình, những điều Bá Bình vừa nói với anh thật sự là vô cùng khó nghe. Bản tính Anh Kì rất thẳng thắn, anh không phải dạng biết nói lời đưa đẩy như người anh họ Vương Lâm của mình, nếu không vừa ý Anh Kì sẽ góp ý thẳng ngay, thậm chí tranh cãi đến xô xác cũng không thành vấn đề.

“Tớ hiểu rồi, thế nhưng….”

“Tớ mệt rồi, muốn nghỉ ngơi, cảm phiền cậu.” – Anh Kì khẽ mỉm cười, nhân thể trạng không tốt của mình, một lời nói khéo hàm ý yêu cầu Bá Bình rời đi.

Bá Bình cũng hiểu, liền hớp hết li rượu rồi nói: “Được được, tớ cũng về phòng đây, cậu nghỉ ngơi sớm đi nhé, tàu cũng sắp cập bến Hoàng Phố rồi.”

Bá Bình đứng dậy vội rời đi: “Ngủ ngon Anh Kì.”

“Ngủ ngon.” – Anh Kì vẫn ngồi yên tại chỗ, không ra tiễn chân Bá Bình.

Bá Bình với Anh Kì vốn có một quan hệ quen biết khá thân thiết. Cha của Bá Bình là bạn tâm giao, anh em kết nghĩa của cha Anh Kì. Từ nhỏ, cha của Anh Kì đã bảo bọc và là người chu cấp tiền bạc cho Bá Bình ăn học, đến lúc trưởng thành còn cho anh cùng Anh Kì sang Anh du học cùng nhau. Bề ngoài Bá Bình là một con người khá tử tế, biết quan tâm đến mọi người, lễ phép, có trước có sau, nhưng thay vì anh rất được lòng cha và các anh chị em của Anh Kì thì lại không thể chiếm được nhiều cảm tình từ anh bạn này. Kì lạ rằng, Anh Kì cũng rất lịch sự với Bá Bình, còn luôn giúp đỡ anh ta trong việc học cả về vật chất lẫn tinh thần, nhưng lại không tự nguyện tạo dựng mối quan hệ thân thiết với Bá Bình. Hai người bạn cùng qua Anh du học nhưng Anh Kì lại quyết định thuê nhà ở riêng, để lại dinh thự của gia đình mình cho Bá Bình lưu học, điều hiếm có từ trước đến này. Mọi sinh hoạt của anh thường tách biệt ra khỏi Bá Bình, dù anh rất chu đáo trong việc ăn ở của bạn mình, nhưng không bao giờ vượt quá giới hạn. Không hiểu sao Anh Kì rất khó thân thiện với kiểu người như Bá Bình, dù mọi người chung quanh nhận xét Bá Bình là người tử tế và tốt bụng, Anh Kì đôi lúc cũng khó lí giải hành động của mình, chỉ đơn thuần anh là người có thể bỏ ra vật chất để lo cho một người ăn học thành tài, nhưng không dễ là người san sẻ và xem đó là người bạn thân thiết có thể đồng cảm mọi thứ trên đời. Cá tính của Anh Kì từ lúc sinh ra đã khá ngang bướng nên cha anh cũng không tiện xen vào các mối quan hệ của con trai, cứ để anh thuận duyên tiếp xúc và kết giao bè bạn.

Sáng hôm sau, lúc mọi người đang dạo trên boong tàu, Anh Kì thuyết phục được Hữu Nam và lôi kéo được anh người hầu kĩ tính của mình ra khỏi buồng khoang bức bối, quả là một kì tích xứng đáng được khen thưởng. Anh Kì tận hưởng ánh nắng ấm áp sau vài ngày sương mù lạnh lẽo. Đột nhiên có giọng nói vang lên ở đằng sau:

“Lý thiếu gia.”

Anh Kì quay lại, càng ngạc nhiên hơn chính là người thanh niên hôm nọ bị bắt nhầm là kẻ ăn cắp chiếc đồng hồ của anh – Tử Đằng.

Anh Kì vui vẻ bước lại bắt tay Tử Đằng, anh bạn cũng vui vẻ đáp trả lại, hiếm có người thượng lưu nào lại để lại trong lòng Tử Đằng sự kính trọng và quý mến như vậy.

“Anh cũng định về Thượng Hải sao?” – Anh Kì thuận miệng hỏi.

“Đúng vậy, tôi từ Quảng Châu về đây. Có việc phải giao hàng cho sư phụ ở Quảng Châu.”

“Thế sao? Thế anh làm nghề gì?”

“Sửa đồng hồ.” – Tử Đằng toe răng ra cười. “Con hẻm cuối của dãy phố cổ.”

“Ồ thật thế sao? Thế anh có thể sửa được đồng hồ cổ không?”

“Tất nhiên là có.” – Tử Đằng tự hảo, ngón tay cái chỉ về ngực mình. “Sư phụ tôi là người nổi tiếng sửa đồng hồ cổ đấy.”

“Ồ tuyệt quá, cha tôi rất mê đồng hồ cổ, ông có rất nhiều chiếc, nhưng có một chiếc đã bị hỏng do thời gian quá lâu. Không may đó lại là chiếc đồng hồ mẹ tôi thích nhất, nếu đến Thượng Hải rồi rất mong anh và sư phụ anh có thể sửa được giúp, bao nhiêu chúng tôi cũng xin hậu tạ.”

“Được được, chuyện nhỏ mà, anh cứ đưa đến chỗ tôi. Còn không cứ cho tôi địa chỉ nhà anh, tôi và sư phụ sẽ đến đó sửa.”

“Không sao, khi nào đến Thượng Hải tôi sẽ tìm đến nhà anh.”

“Thật ra đó là nhà của sư phụ tôi chứ không phải của tôi. Anh cứ đưa đến đi, chúng tôi sẵn sàng sửa mà, không được quyết không lấy tiền.” – Bản tính Tử Đằng rất khẳng khái, thế nên việc gì người khác gặp khó khăn nếu có thể giúp anh đều sẵn lòng.

“Cảm ơn anh trước.” – Anh Kì tươi cười rạng rỡ hẳn. Thật ra chiếc đồng hồ mà anh nói là kỉ vật của cha anh đã tặng cho mẹ anh khi bà còn là một thiếu nữ. Ngày bà mất đi, chiếc đồng hồ cũng đột nhiên không dùng được nữa, khiến cha anh bao năm qua tốn bao công sức để sửa chữa cũng không thành nên vẫn buồn phiền miên man. Anh Kì rất mong có cơ hội phục chế lại chiếc đồng hồ ấy để giúp lòng cha anh thanh thản hơn, bớt phần nào nỗi nhung nhớ người mẹ quá cố của anh.

“Anh là một công tử giới thượng lưu, chắc nhà của anh cũng lớn lắm nhỉ?” – Tử Đằng vui miệng hỏi.

“Lớn gì chứ, tuy miệng mọi người gọi tôi là Lý thiếu gia, nhưng thực chất chỉ là cách ăn nói lịch sự. Gia đình là công chức thôi, cha tôi cũng làm việc ăn lương vậy.”

“Ái chà, thế cha anh làm nghề gì, tôi nghĩ chắc ông cụ là giáo Nho?”

“Sao anh nghĩ thế?”

“Nhìn cách ăn mặc của anh đi, rất chỉnh chu, tôi nghĩ chỉ có gia đình người dạy chữ Nho mới thế thôi.” – Tử Đằng thật tình nói.

Anh Kì nghe lòng đã vô cùng buồn cười, nhưng cố nén lại vì không muốn để Tử Đằng cảm thấy xấu hổ, anh cũng gật gù.

“Ừ gần như là như vậy.”

Anh Kì cũng không biết giải thích thế nào, gia đình anh cũng chẳng phải thứ vị cao quý trong xã hội Thượng Hải lúc bấy giờ. Nói thì khoe khoang, vì cũng chẳng có gì xuất sắc, nên thôi cứ sống là thân phận trung lưu có lẽ là hạnh phúc hơn, cũng dễ kết bạn với mọi người hơn. Bằng không nghe đến cái tên Lý Chính Khiêm hay Đỗ Vân Hạc, chắc mọi người sẽ né anh ra hàng cây số.

Anh Kì chán ghét cuộc sống bị mọi người nhìn ngắm, e dè và cung kính giả tạo. Anh muốn có một cuộc sống mà mọi người có thể khoác vai nhau ăn uống, nhảy nhót, vui chơi ở những khu phố chợ bình dị. Xem ra đó dường như là một ước muốn xa hoa mà Anh Kì không bao giờ với tới được, bởi anh không thể không thừa nhận những gì anh có ngày hôm nay một phần cũng là vì anh là con trai của Lý Chính Khiêm, thủ lĩnh giới kinh doanh tài chính và hệ thống ngân hàng thời điểm hiện tại. Anh Kì muốn có một cuộc sống bình thường là một điều bất khả dĩ, trong mơ cũng không thể thành hiện thực.

Muốn có bạn, một người bạn thật sự thì anh chỉ có thể là hội nhập vào thế giới của họ, như thế mới có hy vọng tìm được một tình bạn chân chính. Nhưng không phải lúc nào việc này cũng thành công, tìm được một người bạn tốt cũng sẽ khó không kém tìm một hồng nhan tri kỉ. Có khi cả đời cũng không thể tìm lấy một tri âm, có bạn nhưng cũng chỉ để xã giao, như mối quan hệ giữa anh và Bá Bình không thể định nghĩa đó là tình bạn, luôn có một thế giới vô hình ngăn cách. Không hợp nhau, chi bằng giữ lại như một mối quan hệ xã hội thuần túy, mối quan hệ tâm giao đâu có thể nói có là có ngay được.

“Chiếc đồng hồ đó hình như anh rất quý nó?” – Đột nhiên Tử Đằng lên tiếng cắt ngang dòng suy nghĩ của Anh Kì.

“Sao cơ?” – Vì đang nghĩ ngợi nên Anh Kì không nghe rõ câu hỏi của Tử Đằng.

“Chiếc đồng hồ anh đã bị mất hôm nọ?”

“À, phải rồi. Đúng vậy, đó là một vật vô cùng quý giá với tôi. Chắc anh cũng buồn cười, một chiếc đồng hồ thì có gì phải gìn giữ. Nhưng nó thực sự rất quan trọng.”

“Ồ, đó là kỉ vật à?”

“Là của ông nội tôi để lại.”

“Thì ra là thế.” – Tử Đằng ra chiều thấu hiểu, im lặng không hỏi thêm.

Anh Kì vẫn nhớ rất rõ, trước khi ông nội qua đời vài ngày đã gọi anh vào phòng, đưa cho anh chiếc đồng hồ cổ mà ông luôn trân trọng. Anh Kì không hiểu rõ lắm vì sao ông lại làm như vậy, nhưng càng trưởng thành anh càng nhận ra chân lý sâu xa ông muốn truyền lại cho đứa cháu trai của mình. Đời người chính là chiếc đồng hồ đó, từng giây từng phút đuổi bắt nhau, chỉ cần sai lầm trong tích tắc sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường cho chính bản thân mình. Anh Kì được ông nội chăm sóc dìu dắt, dạy dỗ từ tấm bé, với anh ông không chỉ là người ông mà còn là một thần tượng, hình mẫu sống lý tưởng. Anh Kì luôn tôn trọng những lời dạy của ông mình, có lẽ vì thế anh luôn cảm thấy những gì ông truyền đạt lại đều có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời mình.

“Anh xem ra vẫn hạnh phúc hơn rất nhiều vì vẫn còn có gia đình.” – Tử Đằng thật lòng bày tỏ sự ngưỡng mộ, đối với anh việc còn cha còn mẹ, còn gia đình tộc họ chính là một diễm phúc lớn. Hơn ai hết anh là người hiểu rõ cảm giác của một người tứ cố vô thân là thế nào, dù cho mọi người có thương hại mình đến đâu chăng nữa cũng cảm thấy rất tủi thân. Lúc nào Tử Đằng cũng tươi cười như không có chuyện gì, nhưng thực tâm anh đều rất buồn và lạc lõng.

“Vậy còn anh?” – Anh Kì thuận miệng hỏi lại.

“Cha mẹ tôi đã mất khi tôi còn nhỏ rồi.” – Tử Đằng trầm mặc, thể hiện cảm xúc chân thật nhất của bản thân mình.

“Ồ, tôi xin lỗi.” – Anh Kì tỏ ra bối rối.

“Không sao, chuyện dễ hiểu mà, dù sao tôi cũng hiểu cha mẹ mất ở đâu, mộ phần thế nào. Mỗi năm đến lễ giỗ, tôi đều đến dâng hoa cho họ, kỉ niệm và cảm ơn họ đã sinh ra tôi.” – Tử Đằng trở lại với nụ cười vui vẻ thường trực.

“Hãy mang ơn cha mẹ anh, vì họ đã mang cho anh rất nhiều ân huệ.” – Anh Kì vỗ vai Tử Đằng động viên.

“Tôi biết mà.”

“Thiếu gia.” – Tiếng gọi phía sau khiến Anh Kì quay lại, gương mặt của Hữu Nam đã hiện lên trong tầm mắt của anh.

“Có chuyện gì vậy?”

“Thiếu gia đã đến giờ dùng trưa rồi.”

“Ồ thế à, mãi trò chuyện tôi quên mất.” – Liền quay sang Tử Đằng: “Vào cùng ăn trưa với tôi nhé?”

“Trời ạ, tôi không có hứng thú ăn cơm với người giàu, rất gò bó.” – Tử Đằng vui vẻ nói. – “Tôi hứng thú với việc ăn cơm cùng các thủy thủ hơn.”

“Sở thích của anh cũng thú vị quá nhỉ?”

“Còn phải nói, ăn uống còn phải quy củ là tôi không chịu nổi, cũng không được tự nhiên. Thôi anh đi ăn đi, tôi cũng xuống nhà bếp bây giờ.” – Tử Đằng vừa nói vừa xoay lưng rời đi. “Hẹn gặp anh bữa khác.”

“Khoan đã.” – Anh Kì gọi lại.

“Sao thế?” – Tử Đằng xoay người lại ngạc nhiên nhìn Anh Kì. Cả Hữu Nam cũng chưa hiểu thiếu gia của anh rốt cuộc có suy nghĩ gì đây.

“Tôi cùng ăn với anh và các thợ thuyền nhé?” – Anh Kì thật lòng hỏi.

“Trời đất, sao lại thế được? Chúng tôi là những dân phàm phu, làm sao có thể đối diện với quý công tử mà ăn được. Anh nhìn thấy sẽ vô cùng khiếp sợ thôi.” – Từ Đằng từ chối.

“Tôi cũng không phải là chưa dùng cơm với họ lần nào.” – Vỗ vai Hữu Nam. “Đi thôi.”

“Ơ chuyện này…” – Hữu Nam vô cùng lúng túng, không ngờ thiếu gia của anh quyết định nhanh hơn chong chóng.

“Đi nào, đừng chần chừ nữa.” – Anh Kì đột nhiên có hứng thú ăn cùng với người bình dân, cảm giác hẳn sẽ rất thú vị. Từ lâu anh đã mong có một trải nghiệm về cuộc sống bình dị xung quanh mình, nay có dịp được mặc sức tung hoành, nhất định không thể bỏ qua.

Bên dưới khoang ăn uống của thủy thủ có phần chật chội. Hữu Nam nhìn quanh, khẽ kéo kéo tay thiếu gia mình:

“Thiếu gia vẫn nên về phòng ạ. Ở đây rất ngột ngạt, không tốt…”

“Làm ơn đừng nhắc đến sức khỏe của tôi lúc này nữa.” – Anh Kì nheo mắt đập đập vào lưng Hữu Nam hàm ý trấn an. Khó khăn lắm mới có được cơ hội ngàn năm thế này.

Căn phòng khá nhỏ hẹp, được thắp những ánh đèn bóng cao, tuy nhiên ánh sáng le lói cũng không đủ trải rộng ánh sáng lên toàn bộ không gian. Vì đây là giờ ăn trưa nên không khí khá rộn rịp, ồn ào náo nhiệt. Người đi qua đi lại tấp nập. Anh Kì hiếu kì nhìn chung quanh. Mọi người đi ngang qua lại trước anh cũng không để ý, ai ai rồi cũng miệt mài hoàn tất bữa cơm của mình để còn phải làm bao nhiêu công việc khác. Có vài người thấy Tử Đằng, họ làm quen được với anh trong vài ngày gần đây, lại vô cùng quý mến bản tính nhiệt tình của người thanh niên này nên hồ hởi đón chào:

“Tử Đằng, đến rồi đấy à, qua đây, qua đây.”

Tử Đằng vui vẻ vẫy vẫy tay, sau đó kéo Anh Kì bước lại gần, mọi người nhìn thấy một vị công tử đi phía sau, vội vã cúi chào.

“Đây là…?” – Một vị lớn tuổi trong đó hướng tay về Anh Kì hỏi khẽ.

“À đây…” – Thật ra Tử Đằng cũng chưa biết giới thiệu về Anh Kì thế nào, thì đột nhiên Anh Kì đã bắt tay người đàn ông đứng tuổi kia.

“Xin chào ngài, tôi họ Lý, tên là Anh Kì, tôi là bạn của Tử Đằng.”

“Hả, thật sao thật sao? Cậu là bạn của Tử Đằng sao? Rất hân hạnh, rất hân hạnh, mời ngồi, mời ngồi.”

Mấy người vội vã dọn dẹp lại ghế bàn, kiếm chỗ cho cả Tử Đằng và Anh Kì ngồi xuống, nhưng Anh Kì chưa vội, anh bắt tay hết khắp lượt người xung quanh rồi mới tĩnh tại ngồi xuống. Hữu Nam không dám ngồi cùng thiếu gia của mình nên cứ đứng ở bên, Anh Kì thấy vậy cũng kéo anh ngồi xuống.

Thật ra ngồi ăn cùng những người lao động cảm giác khác biệt hẳn, không phải là một bàn ăn thịnh soạn, mâm cao cỗ đầy như giới thượng lưu. Người lao động khi ăn họ thích nói chuyện, tất tần tật mọi thứ trên thế gian này họ đều bộc bạch ra trong bữa ăn cả. Những người thủy thủ xa nhà lâu ngày kẻ nhớ vợ ngườ nhớ con, những kỉ niệm đẹp nhất của cuộc đời mình đều đem trải lòng với bạn bè bằng hữu. Bữa cơm thật đạm bạc, chỉ có cá và rau, nhưng không khí ấm áp tràn ngập niềm vui. Anh Kì thích thú với quyết định của mình, những trải nghiệm anh đã từng trải qua cũng chẳng quý bằng vài phút ngắn ngủi trong thế giới thật sự này. Hữu Nam lúc đầu vì ngại và lo lắng cho Anh Kì còn có ý tránh né, nhưng về sau anh bị cuốn vào những câu chuyện của đám thủy thủ nên cũng quên đi mất địa vị xã hội, thỉnh thoảng còn tiếp sức cho câu chuyện của họ có phong có nền, sinh động hẳn lên.

Anh Kì từ khi sinh ra đến này, chuyện gì cũng từng trải qua, nhưng nếu xét về mức độ thông hiểu cuộc sống này, anh luôn tự nhận mình quá kém cỏi. Mặc dù việc anh nhìn thông suốt về cá tính của Tử Đằng mà giúp anh ấy không bị bắt oan, nhưng phải nói nhờ thế mà anh mới kết bạn được với một người, và nhờ vậy mới có những giây phút đặc biệt như thế này.

Hiếm có người công tử thượng lưu nào lại chịu hạ cố đến chỗ bẩn thỉu như vậy, chịu ngồi lắng nghe những câu chuyện trên trời dưới đất, chịu an ủi, chia sẻ với mọi người. Anh Kì không thích lối sống bạc nhược, càng coi khinh những kẻ luôn chỉ biết khoe khoang, hống hách xem thường người khác. Có lẽ vì thế anh chẳng thể nào hợp nổi với Bá Bình, vì từ trước Bá Bình luôn sống đặt nặng vấn đề giai cấp địa vị lên trên hết, thậm chí còn lúc tính toán rất thực dụng, đối với Anh Kì mà nói, đó là điều tối kị.

Sau bữa ăn trưa, Anh Kì, Tử Đằng từ biệt mọi người, trở về buồng nghỉ của mình. Vừa đi họ vừa vui vẻ nói chuyện, đang trên đường về đến nơi, đột nhiên Bá Bình ở đâu xuất hiện.

“Anh Kì nãy giờ cậu đi đâu vậy? Tớ đến tìm cậu để cùng ăn trưa.”

“Tớ ăn rồi.” – Anh Kì hồ hởi nói. “Vừa nãy đã rủ Tử Đằng đi ăn cùng ở chỗ các thuyền viên, vô cùng thú vị, phải chi cậu cũng đi cùng thì còn gì vui bằng.”

“Cái gì chứ? Ăn ở chỗ bẩn thỉu đó sao?” – Anh Kì chưa nói xong, Bá Bình đã bĩu môi khinh rẻ, nhìn qua Tử Đằng nguýt dài một hơi.

Tử Đằng trở nên sượng sùng hẳn, anh cảm thấy bị khinh rẻ và xúc phạm trước thái độ kì thị của Bá Bình.

“Bẩn thỉu là sao?” – Anh Kì hơi nghiêm mặt lại.

“Không, ý tớ chỉ là… Mà thôi, ngày kia tàu cập bến rồi. Cậu có nhớ bác Lý đã dặn qua chúng ta phải ghé thăm mộ ông nội của cậu trước đó chứ.” – Bá Bình liền tìm cách lảng tránh qua chuyện.

“Tớ vẫn nhớ mà.” – Anh Kì nói nhưng hướng ánh mắt qua Tử Đằng. “Thôi anh về nghỉ đi, chúng ta sẽ gặp lại sau.”

Tử Đằng vui vẻ cười, cố gắng che giấu sự ngượng ngùng của mình vì những lời nói của Bá Bình, rất nhanh rảo bước chân về phía dãy phòng của mình.

“Anh Kì, tớ xin lỗi, tớ thực sự không cố ý đâu.” – Bá Bình vừa vào phòng đã nói lời phân bua.

“Tớ có nói gì đâu, sao cậu lại cứ cuống lên thế.” – Anh Kì bề ngoài nói vậy nhưng trong lòng thực sự rất không vui, anh ít nói chuyện với ai mà không đối diện thẳng với họ, trừ phi anh cảm thấy không thích hoặc đang nổi cáu.

“Thôi được rồi, xem như tớ sai vậy. Tớ biết cậu là người trọng nghĩa khí, lại không xem thường người nghèo, xem như tớ chạm vào ổ kiến lửa rồi, được chưa?”

“Bá Bình, cậu có thể đừng nhìn con người một cách phiến diện như vậy được không? Người nghèo phải đâu là lỗi của họ? Hơn nữa chúng ta có phải thực chất giàu có từ nguồn gốc chân tơ kẽ tóc đâu. Tớ nghĩ mỗi người đều có một cuộc sống riêng, một số phận riêng, đứng ở phương diện mình đánh giá họ quả không công bằng.”

“Thôi được rồi, giờ thì tớ đã hiểu vì sao Lệ Quân lại mê đắm cậu đến như vậy, trong khi tớ theo đuổi cô ấy từ thuở nhỏ lại chẳng được đoái hoài.”

“Này, đang nói chuyện sao đột nhiên lại lôi Lệ Quân vào. Chúng tớ là anh em họ, yêu quý nhau là chuyện đương nhiên, có liên quan gì đến chuyện này mà cậu lại nói thế?”

“Ờ thì tớ lấy ví dụ là thế thôi.”

“Bá Bình à, nếu cậu không thích nghe những gì tớ nói thì cứ nói thẳng. Cậu có lẽ cũng hiểu sẽ khó chịu như thế nào nếu đang nói về một vấn đề mà người nghe lại quá vấn đề khác.” – Anh Kì khẽ uống một ngụm nước, lời nói trở nên dứt khoác, không chút e dè.

“Ừ, tớ không cố ý, không tái phạm lần nữa đâu.” – Bá Bình vừa nói vừa ngồi xuống. Tuy ngoài mặt cười, nhưng trong lòng cảm thấy rất không thoải mái. Từ lúc nhỏ đến giờ, Bá Bình luôn thường bị Anh Kì chỉ trích, trước mặt thì y luôn tỏ ra biết lỗi, nhưng sâu thẳm trong tâm hồn đều không phục, tự nghĩ một kẻ như Anh Kì lại có thể lên mặt dạy đời y quả là không thể chấp nhận.

Trời đã hơi xẩm tối, Anh Kì mở cửa phòng bước ra, định bụng sẽ trở về sẽ sắp xếp lại hành lý, còn hai ngày nữa là tàu cập bến. Anh Kì không thích hấp tấp vội vàng, dĩ nhiên phải chuẩn bị mọi thứ chu toàn. Đang loay hoay sắp soạn vài thứ, cảm thấy cổ họng có chút chát đắng, tìm nước uống phát hiện ra đã cạn khô từ lúc nào. Hữu Nam lại không có ở đây, mình anh phải rời bước đến buồng phục vụ mua nước vậy.

“Anh Kì.” – Anh Kì đang lững thững bước, chợt nghe có tiếng gọi liền quay lại, nhìn thấy Tử Đằng đã tiến tới.

“Anh đi đâu vậy?” – Anh Kì vui vẻ hỏi.

“Tôi phụ mấy việc với thuyền viên vừa mới lên đây.”

“Thế à? Ở đây anh có thể tìm việc nhanh vậy sao?”

“Đương nhiên.” – Tử Đằng đưa 3 đồng trên tay khoe với Anh Kì. “Là họ thưởng cho tôi.”

“Xứng đáng với công sức của anh thôi.”

“Mà anh đi đâu vậy?”

Anh Kì đưa đưa cái bình nước trước mặt Tử Đằng: “Lấy nước.”

“Phòng phục vụ à, tôi đi cùng anh vậy.” – Tử Đằng cũng đến đó lấy đồ giặt của mình.

“Được thôi.”

Sau khi lấy nước xong, Anh Kì rời khỏi phòng phục vụ, nhưng Tử Đằng còn ở lại vì anh còn chờ nhận quần áo của mình. Anh Kì ra trước cửa chờ Tử Đằng đi cùng. Đang đứng thì đột nhiên có âm thanh nhốn nháo ở cuối hành lang. Anh Kì hiếu kì bước đến.

Vừa cố len ra khỏi đám đông, Anh Kì tiến vào sâu hơn, thì bất ngờ đối diện với anh là một đôi thanh niên nam nữ, và một ông cụ đang ngã xóng xoài trên sàn.

“Có chuyện gì thế?” – Nhìn qua Anh Kì liền thấy ông cụ có biểu hiện sức khỏe không tốt, liền căng thẳng hỏi.

Cô gái nghe anh gọi, liền ngẩng lên nhìn. Trong một giây thoáng qua ánh mắt cô bất chợt lay động. Gương mặt toát lên một vẻ kinh ngạc, lại có nhiều ẩn tình khó tả.

Anh Kì tiến lại gần ông cụ, xoa tay vào lồng ngực của ông, trên tay còn lại giay giay vào huyệt nhân trung.

“Ông cụ bị sốt cao rồi.” – Anh Kì thản thốt nói. Trong khi cô gái kia vẫn bất động nhìn chằm chằm anh.

“Ông của tôi sẽ không sao chứ?” – Người nam thanh niên kia bấy giờ hốt hoảng lên tiếng, khiến Anh Kì ngẩng lên nhìn. Có vẻ như họ là người của tầng lớp bình dân ở dưới khoang chứa hàng.

Anh Kì không nói gì nhiều, vội vã cặp tay ông cụ vào vai mình:

“Phải đến phòng bác sĩ thôi, mau giúp tôi đỡ ông ấy đi.” – Đang vội vã lo cho tình trạng của ông, Anh Kì cũng không chú ý lắm đến biểu hiện đầy mâu thuẫn giữa người thanh niên và cô gái kia. Anh Kì chẳng màng đến thứ hạng giàu nghèo, cơ thể nhuốm nhem bụi mỏ than không làm anh tránh né, phút chốc quần áo anh vấy bẩn lên cả. Nhưng vẫn kiên trì cố gắng đỡ ông đứng dậy.

Cô gái lúc bấy giờ trước tình cảnh đó mới hồi tỉnh, vội vã cùng người thanh niên nọ đỡ ông cụ đi về phía phòng cứu thương.

“Ông cụ là ông của hai người sao?” – Anh Kì vội vã hỏi.

“Không là ông của tôi, chị ấy đã giúp tôi sơ cứu.” – Nam thanh niên nọ không kìm nén được xúc động, run run nói.

Cuối cùng cũng đến phòng của bác sĩ, Anh Kì vội vã đỡ ông cụ lên giường. Có vẻ mấy hôm bị dồn dập bởi sóng nên ông cụ không chịu được nên bị nhiễm chứng say sóng.

Anh Kì vội sắp xếp một chiếc gối cao kê lên đầu cho ông, anh loay hoay sơ cứu này nọ, quên đi mất người con gái kia vẫn nhìn anh chăm chú không thôi.

Bác sĩ vào liền thăm khám cho cụ già, sau một lúc lâu tình trạng của ông cụ cũng được cải thiện. Bác sĩ cho ông uống thuốc, mọi việc đã khá hơn.

Anh Kì đứng bên ngoài, nghe bác sĩ nói, có thể tình trạng của ông cụ đã được cải thiện, cảm thấy có chút vui mừng.

“Áo của anh…” – Cô gái kia khẽ lên tiếng.

Anh Kì lúc bấy giờ mới đối diện với cô, khẽ sững lại đôi chút. Trong mắt anh, cô gái đó trông có vẻ dịu dàng, đằm thắm. Có vẻ là một tiểu thư trong gia đình gia giáo, ăn mặc chỉnh tề, vóc người khoan thai, chỉ có điều không rõ thế nào cứ nhìn chằm chằm anh. Hay là… Anh Kì nghĩ đến lời thông báo của cô, vội vã nhìn xuống áo quần của mình, tro than bám đầy cả.

“Ồ.” – Anh cũng vô cùng lúng túng trước tình cảnh, dám cá chắc mặt mày anh cũng dính nhọ, thế cho nên cô ấy mới nhìn anh như vậy. Thật cảm thấy xấu hổ quá. “Ôi xin lỗi, tôi lôi thôi quá.”

Anh Kì đưa tay phẩy phẩy áo, nhưng chẳng thể làm nó sạch hơn. Tuy nhiên anh cũng không phải là người hay bận tâm đến những chuyện này, bởi vì tâm tư anh có thoải mái hơn, ít ra đã kịp cứu lấy một mạng người, chút vết tro than này có là gì.

“Để tôi giúp anh.” – Cô gái mạnh dạn tiến đến, đối diện anh nhẹ nhàng dùng khăn tay của mình, lau vào áo cho Anh Kì. Một việc khó có thể đối với một cô gái khi lần đầu gặp một chàng trai, nhưng cô ấy lại làm rất tự nhiên, khiến Anh Kì có chút kinh ngạc, lần này đến lượt anh sững người nhìn cô.

Cảm giác ngại ngùng thoáng qua, khiến Anh Kì không biết nên phân xử thế nào. Cho đến khi cô dùng mặt còn lại của chiếc khăn lau nhẹ lên gương mặt của anh, Anh Kì mới giật mình, anh khẽ níu lấy chiếc khăn.

“Không sao, về phòng tôi sẽ rửa lại.” – Anh Kì nhẹ nhẹ kéo tay cô gái rời khỏi mình.

Lời nói và hành động đó của anh khiến cô cũng cảm thấy ngại, tay có vài phần buông xuống. Lúc bấy giờ Anh Kì mới phát hiện trên tay của cô hình như có vệt đỏ.

“Khoan đã.” – Theo phản xạ tự nhiên, Anh Kì vội nắm lấy tay cô gái. “Ôi tay cô bị thương.”

“Không sao, ở phòng tôi có dụng cụ sát thương, không có gì nghiêm trọng đâu.” – Cô gái ngượng ngùng nói, cố kéo lại tay mình.

“Không được, phải cầm máu đã.” – Anh Kì chưa thể nhờ đến bác sĩ vì hiện ông vẫn đang bận bịu chăm sóc cho ông cụ. Cuối cùng nghĩ ngay đến việc phải cầm máu, rất nhanh lấy chiếc khăn lụa trong túi ra, kéo rách một đường, phút chốc chiếc khăn xé toạc ra một đường. Cứ thế dùng mảnh khăn đó băng lại vào tay cho cô gái.

Cô ấy thoáng chút sửng sốt lại, tự nhiên không dự báo bàn tay run lên cùng những cảm xúc lân lê khó tả, khi bàn tay của Anh Kì khéo léo gói chiếc khăn băng bó vết thương cho cô.

“Đợi một lát bác sĩ ra hãy nhờ ông ấy khám giúp.” – Anh Kì vừa thắt khăn vừa nói. “Nhưng cô làm sao để ra nông nổi này?”

Cô gái thầm nghĩ lại, rồi bình thản trả lời, dù trong giọng có chút run run: “Có lẽ lúc ông cụ làm đổ mâm bát, tôi sợ sành sứ sẽ làm ông bị thương nên vội vã gom lại một góc, lúc đó có lẽ đã bị miếng sứ cửa vào mà không biết.

“Thế ư? Nhất định phải cẩn thận hơn.” – Anh Kì nhìn thẳng cô gái, cảnh báo. Tuy là lần đầu gặp mặt, nhưng có vẻ đây là một cô gái tốt, biết quan tâm đến nguy nan của người khác. Anh Kì thực sự quý mến những con người luôn biết chia sẻ với mọi người chung quanh, những con người đó có tâm hồn thật đáng quý.

“Cẩn thận hơn? Được, tôi sẽ nhớ, cảm ơn anh.” – Cô gái nhìn anh, ánh mắt long lanh đến lạ kì.

“Anh Kì, xin cảm ơn anh, một lần nữa…”


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

♥ Hand ♥

♥ Hand ♥